Trong công văn gửi UBND các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, đã và đang tác động đến đời sống của người dân. Nhất là người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người thu nhập thấp, người lao động ngoại tỉnh sinh sống làm việc ở các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội.
“Đặc biệt, nhiều người dân, người lao động do giãn, hoãn hoặc mất việc làm, không có thu nhập dẫn đến không có điều kiện bảo đảm nhu cầu cơ bản về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày, di chuyển tự phát bằng phương tiện cá nhân rời khỏi TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 về quê. Việc di chuyển này không an toàn cho người dân, gây khó khăn trong phòng, chống dịch”, công văn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu (Ảnh minh hoạ)
Trong bối cảnh này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương rà soát, nắm chắc tình hình đời sống người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Từ đó thực hiện tốt chính sách bổ trợ cho các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ; giao trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đảm an sinh xã hội; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu.
Để kịp thời hỗ trợ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương vận động Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tổ chức các kênh cung ứng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu đến tận nơi cho người dân ở các khu vực thực hiện giãn cách xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương thực hiện miễn giảm tiền điện, tiền nước và vận động chủ cho thuê nhà miễn giảm tiền thuê nhà...
Trên cơ sở dự báo diễn biến dịch, các địa phương chủ động phương án chính sách hỗ trợ tiền ăn (mức tối thiểu 50.000 đồng/người/ngày) theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, và hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc hỗ trợ tiền ăn và nhu yếu phẩm thiết yếu cần quan tâm ưu tiên đối với nhóm hộ nghèo, người lao động bị giảm sâu về thu nhập, hộ gia đình kinh doanh buôn bán dịch vụ nhỏ, lẻ phải tạm dừng kinh doanh do thực hiện giãn cách xã hội.
Đổi với những trường hợp bất khả kháng, người dân phải di chuyển về quê, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan, đoàn thể nơi cư trú phối hợp với chính quyền địa phương nơi quê nhà hỗ trợ thức ăn, nước uống và tổ chức phương tiện đưa người dân về quê. Không để tình trạng di chuyển tự phát (xe máy, xe đạp, đi bộ...); tổ chức cách ly, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.