Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ Quận 3 đi chợ giúp dân mua hàng hóa, thực phẩm trong những ngày giãn cách. (Ảnh: TTXVN)
Theo đánh giá của Tổ công tác đặc biệt, việc cung ứng hàng hóa cho người dân thực hiện qua phương thức "đi chợ hộ" do các tổ chức đoàn thể tại địa phương phối hợp cùng lực lượng công an, quân đội thực hiện với tần suất 1 lần/tuần tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tại các hệ thống phân phối hiện đại, một số điểm bán của siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm đóng cửa do chưa bố trí được nhân viên làm việc theo phương án 3 tại chỗ hoặc nhân viên chưa kịp xin cấp giấy đi đường theo quy định nên không qua được các chốt trạm.
Nhiều điểm bán của các hệ thống siêu thị như: Co.opmart, Co.op Food, Satra Food, Central Retail, Aeon Việt Nam, Emart Việt Nam… dừng hoạt động đón khách mua sắm trực tiếp, tập trung vào việc soạn hàng, đóng vỉ, gắn tem giá theo đơn hàng.
Để thực hiện phương án cung ứng hàng hóa mới cho TP.HCM, các hệ thống siêu thị đã soạn sẵn các combo hàng hóa phân theo mức giá trị của gói hàng hoặc theo các loại hàng hóa như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ dùng gia dụng… và đã sẵn sàng phối hợp với chính quyền các địa phương để cung ứng hàng hóa cho người dân.
Một số siêu thị vẫn nhập số lượng hàng bình thường để phục vụ người dân, trong khi một số siêu thị nghe ngóng sức mua của người dân để nhập hàng.
Nhiều hệ thống phân phối cho biết không thiếu hàng, sẵn sàng linh động theo thị trường. Tuy nhiên, do đặc thù hàng hóa có hạn sử dụng ngắn, nên các ngày đầu đơn vị có thể giảm nguồn cung hàng tươi sống, để đo lường sức mua, khi cần sẽ tăng lại.
Ngoài ra, trong 2 ngày trước khi thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, nhiều người dân đã đi mua hàng tích trữ nên dự kiến nhu cầu đặt hàng trong tuần này có thể chưa tăng cao.
Nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân nhiều tỉnh phía Nam
Tại các tỉnh, thành phố phía Nam khác như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương cho biết, nguồn cung hàng hóa cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Lực lượng quân đội chuẩn bị lương thực để phát cho nhân dân tại 4 phường bị phong tỏa ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)
Tại tỉnh Long An, Sở Công Thương Long An cho biết, do có sự chuẩn bị và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, doanh nghiệp cung ứng, phân phối hàng hóa, Sở đã có phương án cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong khu vực phong tỏa thông qua hình thức phát túi an sinh hoặc các hình thức phù hợp. Khi thực hiện giãn cách đặc biệt, các hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân được đảm bảo đầy đủ, kịp thời.
Hiện tại, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi ở Long An vẫn đang hoạt động bình thường, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, giá hàng hóa tương đối ổn định; sức mua ổn định, không có hiện tượng thu gom, tăng giá đột biến.
Tại Bình Dương, tỉnh đang tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16, thực hiện khóa chặt 24/24 giờ không cho người dân ra khỏi nhà, cách ly tuyệt đối nhà cách ly nhà ở 15 phường của thành phố Thuận An, thị xã Tân Uyên và thành phố Dĩ An trong vòng 15 ngày để tập trung dập dịch. Tỉnh đã điều phối cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày và hỗ trợ tiền ăn cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách.
Tại Đồng Nai, Sở Công Thương Đồng Nai cũng đã chủ động các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Sở Công Thương cùng các doanh nghiệp kinh doanh trung tâm thương mại, siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh đã rà soát, kiện toàn kế hoạch dự trữ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi cũng trong tư thế sẵn sàng cung ứng cho thị trường trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Theo VTV